Ủng hô Ls Võ Văn Đôn, người bảo vệ người bị đánh chết tại công an Tuy Hòa

--------------------------------------------------------------------------------

VRNs (07.12.2014) – Nha Trang – Mới đây, Công an, Viện Kiểm Sát và Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên vừa có công văn liên ngành, đòi tước thẻ hành nghề ls của luật sư Võ An Đôn (đoàn ls tỉnh Phú Yên, bảo vệ bên bị hại trong vụ án 5 công an Tuy Hòa đánh chết anh Ngô Thanh Kiều. Chỉ vì các quan chức ở đây cay cú công lý việc người dân thấp cổ bé họng đã (hiếm hoi) thắng rong phiên tòa. Tại Tòa, ls Võ An Đôn đã đề nghị khởi tố Viện trưởng VKS Phú Yên vì để lọt tội phạm là ông Hòan – Phó C.A TP Tuy Hòa (sau này ông Hoàn đã bị khởi tố), đề nghị giám đốc C.A Phú Yên từ chức vì để hàng loạt nhân viên dưới quyền phạm tội… Ba ngành trên quy chụp ls Đôn xúc phạm họ.

Nhiều công dân khắp cả nước tỏ ra bất bình với việc làm của các cơ quan công lực và tư pháp tỉnh Phú Yên, nên đã đồng ký tên gởi đến các cơ quan chức năng trong tỉnh Phú Yên và thành phố Tuy Hòa để ngăn lại việc làm sai trái của họ.

*

Thư ủng hộ luật sư Võ Văn Đôn viết:

“Chúng tôi, những công dân Việt Nam ký tên dưới đây, bày tỏ sự ủng hộ đối với Luật sư Võ An Đôn vì những nỗ lực đem lại công bằng cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều – người bị công an Thành phố Tuy Hoà sử dụng nhục hình cho đến chết trong khi bị tạm giữ.

Chúng tôi, phản đối việc liên ngành tư pháp Phú Yên kiến nghị tước đoạt thẻ hành nghề luật sư và những áp lực sách nhiễu nhằm vào Luật sư Võ An Đôn vì vi phạm điểm g, i khoản 1 Điều 9 Luật LS.

Xét trên thực tế, hành động của Luật sư Đôn đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh bảo vệ công lý, được quy định tại quy tắc 2, 3 – Bộ quy tắc về đạo đức hành nghề luật sư.

Quy tắc 2. Độc lập, trung thực và khách quan

Luật sư độc lập, trung thực và tận tuỵ trong hành nghề; không vì bất kỳ lợi ích vật chất, tinh thần hoặc áp lực nào khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp.

Quy tắc 3. Văn hoá ứng xử trong hành nghề và lối sống

Luật sư ứng xử đúng mực, có văn hoá trong hành nghề và trong lối sống để luôn tạo được sự tin cậy và tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.

Hành vi của Luật sư Võ An Đôn lẽ ra phải được khen thưởng bởi công lý nếu có được thực thi thì bắt đầu từ chính sự can đảm đương đầu với những sai trái trong công tác điều tra, thiếu trách nhiệm quản lý trong ngành công an dẫn đến việc công dân bị tước đoạt mạng sống trước khi qua xét xử của những người như Luật sư Đôn.

Vì vậy, bằng lá thư này, chúng tôi tuyên bố công khai ủng hộ Luật sư Võ An Đôn và yêu cầu chấm dứt các hình thức sách nhiễu nhằm hạn chế, tước đoạt quyền bào chữa của luật sư”.

Một lần nữa cho thấy, các cơ quan công quyền không những không thượng tôn pháp luật, là chấp nhận sai, sửa lỗi, để những sự việc như chết người trong đồn công an không thể xảy ra nữa, thì họ lại tìm cách toa rập với nhau để hại người bảo vệ công lý. Một lần nữa cho thấy cộng đồng các công dân Việt Nam đã không còn thờ ơ, mặc kệ những sai trái của các cơ quan công quyền, mà bắt đầu lên tiếng để bảo vệ lẽ phải.

 

****************

 

Vụ dùng nhục hình ở Phú Yên: Công an rắp tâm “trả thù” luật sư? Đòi thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư bên bị hại !

VNTB: Liên ngành Công an - Viện kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa vừa bất ngờ “tống đạt” công văn gửi cho Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp Phú Yên, “đòi” thu hồi chứng chỉ hành nghề của ông Võ An Đôn - luật sư bên bị hại trong vụ 5 công an dùng nhục hình dẫn đến cái chết của một người dân.

Có lẽ căn cứ để liên ngành cơ quan trên “đòi xử” luật sư Võ An Đôn là vận dụng Luật Luật sư, Điều 9 “Các hành vi bị nghiêm cấm”, trong đó cấm luật sư không được “có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”.

Thế nhưng theo mô tả của báo chí, lãnh đạo Sở Tư pháp Phú Yên thừa nhận rằng luật sư Võ An Đôn không hề có vi phạm gì để đáng bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Câu hỏi đặt ra: Nếu muốn nói xúc phạm ai thì phải chứng minh được thiệt hại, sau đó bản thân người bị xúc phạm khởi kiện ra tòa dân sự. Song thông tin trên báo chí cho thấy, nội dung kiến nghị của liên ngành nội chính Tuy Hòa chỉ nêu những dữ kiện mang tính kết luận mà không kèm theo tài liệu, bằng chứng chứng minh.

Ngay sau sự xuất hiện của văn bản đòi “xử luật sư”của khối nội chính Tuy Hòa, dư luận lập tức sôi trào trên diện rộng về động cơ “trả thù” luật sư của các cơ quan pháp luật, đặc biệt là Công an Tuy Hòa - đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về cái chết thảm thiết của dân lành.

Vào tháng 8/2014, một thông tư mang số 28 của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự có nội dung chống bức cung, nhục hình… đã được công bố. Tuy nhiên ngay cả Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng phải có văn bản lên tiếng phản đối một số nội dung của thông tư này.

Nhiều luật sư tại Việt Nam đã nghiêm khắc cảnh báo về khả năng Thông tư 28 bị lạm dụng để gây trở ngại cho hoạt động tham gia bào chữa của luật sư trong vụ án.

Đoàn luật sư Hà Nội cũng lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo về Thông tư 28 hồi trung tuần tháng 8; thế nhưng ngày trước khi hội thảo diễn ra, ban quản lý hội trường nơi sự kiện đó đột ngột thông báo “hủy hợp đồng thuê chỗ”. Động tác đầy nghi vấn này khiến cho dư luận không thể không đặt câu hỏi về một bàn tay ẩn kín của công an nhúng vào ngăn cản quyền tự do ngôn luận của giới luật sư.

Riêng Luật sư Võ An Đôn - người vừa bị liên ngành nội chính Tuy hòa đòi rút giấy phép hành nghề, đã bày tỏ ý kiến về Thông tư 28: “Cho điều tra viên ghi âm, ghi hình luật sư trong khi hỏi cung bị can, bị cáo có hạn chế ở chỗ nhiều khi điều tra viên đó không muốn cho luật sư tham gia vụ án đó có thể viện lý do này, lý do kia để từ chối luật sư”.

Rất có thể vì tính chất quá “nhạy cảm” trong phát ngôn đụng chạm đến ngành công an và hiện là người đang truy vấn trách nhiệm của Công an Tuy Hòa đối với vụ dùng nhục hình làm chết công dân, luật sư Võ An Đôn đang bị các cơ quan “công bộc” chủ tâm tìm cách “trả thù”.

Nếu Nhà nước Việt Nam im lặng trước hành vi “trả thù” có thể ấy, lại thêm một bằng chứng hùng hồn về sự thật Nhà nước này thành tâm đến mức nào khi tham gia Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc.

Ba cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với luật sư Võ An Đôn, người bào chữa cho phía bị hại trong vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người


Chiều 4-12, luật sư (LS) Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, cho biết đã yêu cầu các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cung cấp các chứng cứ, tài liệu để xem xét theo quy định. Trước đó, liên ngành Công an - VKSND - TAND TP Tuy Hòa có văn bản gửi đến Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của LS Võ An Đôn (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên).

*

“Họ muốn loại tôi khỏi phiên tòa”!

Văn bản của liên ngành Công an - VKSND - TAND TP Tuy Hòa cho rằng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ Nguyễn Thân Thảo Thành cùng các đồng phạm dùng nhục hình (từ ngày 26-3 đến 3-4), LS Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều) đã có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng vụ án và nhiều lãnh đạo đương nhiệm trong các ngành nội chính.


Văn bản này cũng nói rõ sau khi kết thúc phiên tòa đến nay, LS Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch, không đúng sự thật khách quan của vụ án... “Ông Đôn đã có những phát ngôn không đúng với quy định. Ông Phạm Văn Hóa (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên) làm gì mà LS Đôn đề nghị từ chức? Rồi lại nói ông Lê Đức Hoàn đi uống bia ôm hay đi đâu. LS mà ra công chúng nói như thế ai mà chịu được” - ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, nói.

“Đấy là một văn bản không đúng sự thật, mang tính quy chụp với mục đích nhằm loại tôi khỏi tham gia bào chữa cho gia đình bị hại tại phiên tòa sơ thẩm lần hai sắp tới” - LS Đôn bức xúc. LS Đôn cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, ông có yêu cầu giám đốc Công an tỉnh Phú Yên nên từ chức vì đã để cấp dưới dùng nhục hình dẫn đến chết người. Đó là yêu cầu chính đáng.

LS Đôn cũng cho rằng mình chưa bao giờ tham gia các trang mạng xã hội, cũng không có Facebook, không tham gia bất kỳ diễn đàn nào trong và ngoài nước. Còn về việc tạo dư luận không tốt, LS cho rằng: “Dư luận bức xúc vì hành vi các bị cáo đánh người đến chết chứ không phải do tôi tạo ra. Văn bản này làm mất uy tín, danh dự của tôi. Tôi sẽ yêu cầu họ phải thu hồi và xin lỗi tôi về việc này” - LS Đôn bức xúc.

 

*

Chưa đủ cơ sở

Ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, xác nhận đã nhận được văn bản của 3 cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa, hiện đang xem xét giải quyết vụ việc. Một lãnh đạo thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên cho rằng: “Họ yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề nhưng có lý gì đâu mà thu hồi. Còn Đoàn Luật sư cũng không có thẩm quyền thu hồi giấy phép hành nghề được. Có vi phạm thì mới thu hồi chứ không có vi phạm mà thu hồi thì họ sẽ kiện tới bến”.

Còn LS Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, cho rằng: “Tôi chưa thấy có bài viết nào của LS Đôn. LS Đôn có trả lời báo chí trong nước nhưng chẳng có gì sai. Hầu hết phản hồi của bạn đọc đều ủng hộ LS Đôn”. Ông Thành cho rằng trong phiên tòa, các ý kiến của LS Đôn đều xác đáng, HĐXX không có ý kiến nhắc nhở LS Đôn. Các đề nghị của LS Đôn về việc khởi tố ông Hoàn hay khởi tố ông Lê Minh Chánh đều có cơ sở. Sự thật là cáo trạng sau khi điều tra lại mới đây của VKSND Tối cao đã truy tố ông Hoàn.

From :Người Lao Động

 

**************

 

Luật sư trong vụ 5 công an đánh chết người: “Tôi không sợ vì mình làm đúng“


Luật sư Võ An Đôn năm nay 37 tuổi, thuộc Đoàn Luật sư Phú Yên. Tháng 4-2003, sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai trường đại học là Đại học Luật TP.HCM và Khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH &NV TP.HCM, ông Võ An Đôn về làm chuyên viên Phòng Nội chính Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư, ông Đôn nghỉ làm công chức nhà nước và làm luật sư đến nay.

Tại phiên tòa xử năm công an ở Phú Yên đánh chết người, Luật sư Võ An Đôn (người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại) liên tục đưa ra đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa.

Ngay sau khi phiên tòa tạm dừng để nghị án, phóng viên PLO có cuộc trao đổi với luật sư Đôn.

**

Tôi không sợ vì mình làm đúng

. Phóng viên: Vì sao luật sư nhận bảo vệ cho gia đình bị hại trong vụ này?

+ Luật sư Võ An Đôn: Sau khi anh Ngô Thanh Kiều chết, vợ anh Kiều đang mang thai sắp sinh bế theo cháu nhỏ đến trình bày với tôi. Tôi hướng dẫn gia đình anh Kiều cách chụp ảnh khi khám nghiệm tử thi để tìm hiểu sự việc, sau đó giúp gia đình anh Kiều làm đơn khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ.

 

Tôi quá xót xa, đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó cháu bé sinh ra mà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha, trong khi gia đình lại quá nghèo. Hơn nữa, tôi rất bức xúc trước hiện tượng có nhiều nghi can, bị can chết bất thường tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ.


 

Trong khi đó, hầu hết các vụ này đều không xác định nguyên nhân, chủ yếu nói người bị tạm giam, tạm giữ tự tử; cũng không có cơ quan nào quan tâm đến, làm rõ. Khi người dân bức xúc phản ứng thì lại bị quy là chống người thi hành công vụ và lại bị ở tù. Để người dân khỏi chết oan và bị tù oan, tôi quyết định làm rõ vụ án này, đưa ra ánh sáng. Mục đích của tôi là tìm ra công lý, xử lý những người thi hành công vụ mà làm sai luật pháp. Chính vì thế, tôi nhận làm vụ này hoàn toàn miễn phí.

. Khi nhận làm vụ này, luật sư có lo ngại không?

+ Tôi bị rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực từ những người thân trong gia đình, bạn bè, kể cả đồng nghiệp nói rằng không nên làm vụ này vì công việc rất khó khăn, vì đụng đến lực lượng công an, tính mạng cũng nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi không lo sợ những điều đó vì động lực lớn nhất của tôi là bảo vệ công lý.

Mặt khác, tôi được người dân ủng hộ, pháp luật bảo vệ. Nếu lỡ có ai trả thù, đe dọa tính mạng thì tôi cũng không sợ vì tôi đang làm việc đúng.

**

Có dấu hiệu phạm ba tội

. Vì sao tại phiên tòa này, luật sư liên tục đưa ra đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa?

+ Trong vụ án, ông Hoàn là chủ mưu, mọi sai phạm của các cán bộ khác đều bắt đầu từ ông Hoàn.

Thứ nhất, ông Hoàn chỉ đạo cấp dưới bắt anh Kiều lúc 3g sáng trong khi không có lệnh bắt, không có căn cứ gì để bắt anh Kiều vì anh Kiều không phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp, không thuộc đối tượng bị truy nã. Việc còng tay, dẫn giải anh Kiều đến Công an TP Tuy Hòa không hề có bất kỳ văn bản pháp lý nào mà chỉ do ông Hoàn chỉ đạo bằng miệng. Khi phân công (bằng miệng) cán bộ lấy lời khai là những người không phải là điều tra viên, làm việc không hề có biên bản ghi lời khai.

Thứ hai, tại thời điểm các bị cáo dùng dùi cui đánh anh Kiều, ông Hoàn đều có mặt ở đó, ra vào phòng đó, liên tục chỉ đạo cấp dưới đến lấy lời khai anh Kiều. Việc ông Hoàn biết các cán bộ cấp dưới dùng dùi cui đánh bị hại Ngô Thanh Kiều từ 8g đến 13g ngày 13-5-2012 nhưng không có ý kiến gì đã thể hiện ông Hoàn đồng ý với việc dùng nhục hình đối với anh Kiều.

Từ đó, có cơ sở cho thấy ông Hoàn phạm tội dùng nhục hình với vai trò là đồng phạm nhưng không bị khởi tố là bỏ lọt tội phạm.

Hôm qua (28-3), tôi đề nghị khởi tố ông Hoàn hai tội bắt người trái pháp luật và dùng nhục hình. Nhưng VKS không đồng ý vì cho rằng ông Hoàn có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; mặt khác ông Hoàn có thời gian dài công tác trong ngành Công an, có nhiều thành tích.

Với đề nghị khởi tố ông Hoàn tội dùng nhục hình, VKS cho rằng khi các bị cáo đánh anh Kiều thì ông Hoàn không có mặt đó và không biết các bị cáo đánh anh Kiều nên không phải là đồng phạm. Tuy nhiên, lời khai của các bị cáo, nhân chứng tại phiên tòa cũng như lời khai của ông Hoàn trước đây tại cơ quan điều tra cho thấy ông Hoàn có mặt từ đầu đến cuối để trực tiếp chỉ đạo cấp dưới xét hỏi anh Kiều vì ông Hoàn là trưởng ban chuyên án.

Hôm nay (29-3), qua tranh luận tại tòa, tôi thấy ông Hoàn còn phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, ông Hoàn là phó Công an TP Tuy Hòa đồng thời là trưởng ban chuyên án 312T trực tiếp chỉ đạo các cán bộ cấp dưới lấy lời khai anh Kiều nhưng dùng nhục hình đánh anh đến chết, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên ông Hoàn phải chịu trách nhiệm.

. Khi đưa ra đề nghị trên, luật sư có lo ngại không?

+ Tôi hoàn toàn không lo sợ gì cả bởi đây là sự thật, tôi làm vì công lý, vì lương tâm, đạo đức của người luật sư chân chính.

. Nếu các đề nghị trên đều bị HĐXX bác bỏ, sắp tới luật sư sẽ làm gì để bảo vệ quan điểm của mình?

+ Nếu HĐXX không chấp nhận thì tôi sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục làm sáng tỏ vụ việc.

 

From :

http://plo.vn/Ph%C3%A1p%20lu%E1%BA%ADt%20ch%E1%BB%A7%20nh%E1%BA%ADt/luat-su-trong-vu-5-cong-an-danh-chet-nguoi-toi-khong-so-vi-minh-lam-dung-457530.html


http://www.boxitvn.net/bai/31287

 

***********

Lẽ ra phải khen, sao lại đòi “xử”!

LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa

(PL)- Việc công an, VKS và TAND TP Tuy Hòa kiến nghị xử lý luật sư (LS) Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình anh Lê Thanh Kiều trong vụ “năm công an Phú Yên đánh chết người” đã khiến dư luận chú ý.


Diễn biến tranh tụng thể hiện bằng bản án tuyên công khai vào ngày 3-4-2014 không có bất cứ nội dung nào nhận định về những vi phạm của LS Đôn (nếu có). Đến nay cũng không có cá nhân nào khiếu kiện, tố cáo LS Đôn vì cho rằng LS này đã xúc phạm họ. Ngược lại, một số kiến nghị của LS Đôn đã được cơ quan tố tụng chấp thuận (như hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, khởi tố và truy tố nguyên phó Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn, tăng khung hình phạt bốn bị cáo công an…).

Ấy thế nhưng khi vụ án sắp đưa ra xét xử lại, LS Đôn lại bị kiến nghị xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề. Phải chăng LS Đôn đang nhận lấy một sự “trả đũa” vì dám đề nghị khởi tố hai đương kiêm lãnh đạo công an và VKS trước đây?

Còn nhớ trước đây Bộ Công an từng có quy định “xử lý” LS trong quá trình tham gia tố tụng (Thông tư 28), may mà sau đó nội dung này đã được sửa đổi. Nay với kiến nghị của liên ngành tố tụng Tuy Hòa, một lần nữa giới LS tỏ ra lo ngại. Bản kiến nghị chỉ một trang giấy A4, trong đó 1/3 trang dành cho chữ ký và đóng dấu của đại diện ba ngành, không kèm theo bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho nội dung kiến nghị. Nếu chấp nhận kiến nghị này để “xử” LS Đôn thì sẽ tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm cho hoạt động của nghề LS.

Có thể nói, với vụ án “năm công an Phú Yên đánh chết người”, LS Đôn đã thể hiện đầy đủ lương tâm, trách nhiệm của LS. Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình bị hại, LS Đôn đã hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần và không sợ bất kỳ áp lực nào để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, với kết quả cơ bản đạt được, dư luận xã hội và giới LS đánh giá rất cao vai trò của LS Đôn.

Trong tranh tụng, một mình LS Đôn phải đối trọng với VKS, với LS đồng nghiệp, với các bị cáo và những người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến vụ án (mà chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm). Trước những bất công đã xảy ra, LS tranh tụng thể hiện lời nói thật đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền lợi của ai đó. Nhưng với tất cả tâm huyết nghề nghiệp, với kết quả tranh tụng vụ án này, LS Đôn hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của công chúng đối với LS và nghề LS. Lẽ ra phải khen để khích lệ giới LS trong nhiệm vụ chung là góp phần bảo vệ công lý, sao lại đòi “xử” LS như vậy?

Nếu có giải thưởng tôn vinh LS bản lĩnh của năm 2014, chẳng hạn “LS có cống hiến cho cộng đồng, vì công lý, công bằng”, tôi sẽ đề cử LS Võ An Đôn.

 

From : http://plo.vn/thoi-su/theo-dong/le-ra-phai-khen-sao-lai-doi-xu-514146.html

 

*************

 

Luật sư Võ An Đôn và gia đình người bị hại

Luật sư Võ An Đôn và gia đình người bị hại

Tag(s) : #Dư Luận Chính Trị VN, #Gastronomie - Cuisine
Partager cet article
Repost0
Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :