Từ xưa, Phật giáo Trung Hoa cho hệ thống những người chuyên tâm tọa thiền là Thiền tông bao gồm cả hai hệ thống Thiên Thai và Tam Luận chớ không nhất thiết chỉ có Đạt Ma tông. Nhưng từ đời Đường về sau, Đạt Ma tông trở nên hưng thịnh vì thế từ ngữ Thiền tông liền chuyển sang để chỉ cho Đạt Ma tông.

 

Lịch sử Thiền tông đã trải qua hai giải đoạn trong quá trình truyền thừa:

 

1)Giai đoạn đầu từ Tổ Đại Ca Diếp đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma tức là Tổ thứ 28 thuộc Thiền tông Ấn Độ. Rất khó mà xác định được khởi nguyên của lịch sử Thiền tông Ấn Độ vì lịch sử Phật Giáo Ấn Độ không hề đề cập đến việc truyền thừa của 28 vị Tổ Thiền tông. Đặc biệt hơn nữa là không tìm đâu ra được vị trí đặc biệt nào của Tổ Đạt Ma trong Phật giáo Ấn Độ cả. Một lý do khác là những bài kệ truyền pháp từ đức Phật Thích Ca đến Tổ thứ 28 không tìm thấy bản gốc bằng tiếng Pali hay tiếng Phạn để đối chiếu. Đó là chưa kể văn khí của những bài kệ đó được sáng tác theo phong cách thiền Trung Hoa và có lẽ sau thời Lục Tổ Huệ Năng. Một số Ngữ Lục (là các bài Thuyết giảng do chư vị Thiền sư giảng, được các đệ tử ghi chép lại) hay Truyền Ký có đề cập đến lịch sử Thiền Tông cổ nhất của người Trung Hoa được biên soạn vào đời Đường khoảng trên 1200 năm sau ngày đức Phật Niết-bàn, và mãi đến đời nhà Tống từ niên hiệu Cảnh Đức 1004 đến niên hiệu Gia Thái 1204 trên dưới 1700 năm sau đức Phật Niết-bàn như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục do Đạo Nguyên soạn, Thiên Thánh Quảng Đăng Lục do Lý Tuân Húc soạn v.v... thường là mượn các nhân vật danh Tăng thiền đức có thực để hư cấu thêm nhằm chuyển tải thiền lý hơn là mô tả thực kiện diễn ra trong lịch sử.

 

Thí dụ khi đức Phật sắp nhập diệt thì Ngài truyền y bát cho tôn giả Đại Ca Diếp và nói một bài kệ truyền pháp như sau:

Các pháp vốn không pháp
Không pháp cũng là pháp
Nay truyền cái vô pháp (vô tướng)
Vô pháp nào có pháp.


Câu chuyện “niêm hoa vi tiếu” tuy chỉ là huyền thoại, nhưng ý nghĩa rất hay, rất sâu sắc. Câu “Các pháp vốn không pháp” có nghĩa là các pháp vốn pháp thực tánh chớ không phải là pháp khái niệm. Thí dụ trong thế gian chỉ có một sắc pháp là tứ đại tức là đất, nước, gió, lửa, nhưng con người lại nhìn một sắc pháp đó bằng tâm phân biệt nào là nhà cửa, xe cộ…Vì vậy chúng ta chỉ thấy các pháp dựa theo quan niệm của mình chớ không thấy thật tánh của các pháp tức là “tự nó thật sự là”. Một thí dụ khác là khi nhìn đóa hoa chúng ta cho rằng mình đang nhìn đóa hoa, nhưng đóa hoa là tên do mình đặt cho nó chớ tự nó “không phải là” đóa hoa “hay là” đóa hoa. Mà thật chất của nó là sự tổng hợp của đất, nước, gió, lửa qua trùng trùng duyên khởi kết thành hình tướng rồi chúng ta đặt tên hình tướng đó là đóa hoa. Nói vậy thì trong đóa hoa có nước, nhưng chúng ta có thấy trời mưa hoa rơi xuống đâu? Trong hoa có ánh sáng mặt trời, nhưng ngoài trời đâu có rơi hoa? Trong hoa có phân bón, nhưng trong các thùng phân bón làm gì có hoa? Do đó thật tánh của hoa là không tánh vì hoa là do sự kết hợp của trùng trùng duyên khởi chớ đóa hoa không tự nó có hay tồn tại được.

 

Vì vậy cái thấy của Thiền tông là thấy tất cả các pháp trên thế gian này vốn là không vì chúng không có tự tánh tức là vô ngã. Vô Ngã của Phật giáo Đại thừa nói chung và của Thiền tông nói riêng là cái biết bằng tri giác trong khi đó Vô Ngã của thiền Tứ Niệm Xứ là sự thấy biết như thật trong trí tuệ chánh niệm tỉnh giác nghĩa là sự thấy biết rốt ráo rõ ràng từ kinh nghiệm khắp toàn thân, tâm.

Còn câu “Nay truyền cái vô pháp, vô pháp nào có pháp” nói lên ý nghĩa của câu chuyện “niêm hoa vi tiếu” bởi vì cành hoa trong tự tánh thì nó “đang là” chớ không phải “đang bị nghĩ là” nghĩa là thấy biết trực tiếp bằng tánh thấy chớ không phải qua ý thức suy nghĩ phân biệt. Truyền cái vô pháp nghĩa là truyền cái pháp không. Pháp không có nghĩa là pháp chưa từng có trong khái niệm bởi vì một khi hình thành khái niệm “pháp không” thì nó trở thành “pháp có” rồi. Thế thì Thiền tông xiễn dương “tánh giác” là cái biết chân thật bằng trực giác, không qua khái niệm, kiến giải mà thiền Nguyên Thủy gọi là “thấy biết như thật” trong trí tuệ chánh niệm tỉnh giác.

 

 

2)Giai đoạn thứ hai từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng.

Thiền tông Trung Hoa từ Đạt Ma Tổ Sư truyền cho Huệ Khả, Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng Xán truyền cho Đạo Tín. Dưới Đạo Tín có hai người tài giỏi là Hoằng Nhẫn và Pháp Dung. Dưới ngài Pháp Dung có ngài Trí Nghiễm, Huệ Phương, Pháp Trí. Hoằng Nhẫn truyền lại cho Huệ Năng, nhưng bấy giờ Thiền tông Trung Hoa chia làm hai nhánh: Nhánh Thiền tông ở phương Bắc do ngài Thần Tú, đệ tử xuất sắc nhất của Hoằng Nhẫn, nên gọi là Bắc tông lấy Trường An, Lạc Dương làm trung tâm, pháp vận được hưng thịnh khoảng 100 năm. Nhánh thứ hai ở phương Nam là Huệ Năng trụ tại Tào Khê tỉnh Quảng Đông tức là Nam tông. Vì tông phong của 2 tông Nam, Bắc khác nhau nên mới có câu: “Nam đốn, Bắc tiệm”.

Đệ tử nói pháp của Huệ Năng có hơn 40 vị, nổi tiếng nhất là ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng, Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Dương Huệ Trung, Vĩnh Gia Huyền Giác, Hà Trạch Thần Hội… Ngài Thần Hội khai sáng “Hà Trạch tông” với chủ trương cực lực đề xướng pháp môn đốn ngộ, lấy “một niệm “không khởi” làm TỌA và thấy rõ “bản tánh” làm THIỀN”. Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng được Lục Tổ truyền tâm ấn, trụ trì chùa Bát Nhã, đệ tử nói pháp có 9 vị, đứng đầu là ngài Mã Tổ Đạo Nhất. Rồi sau đó sanh ra năm nhánh khác là thiền sư Qui Sơn (Khai tổ tông Qui Ngưỡng), Thiền sư Nghĩa Huyền (Khai Tổ Tông Lâm Tế), Thiền sư Văn Ích (Khai Tổ Tông Pháp Nhãn), Thiền sư Văn Yễn (Khai Tổ Tông Vân Môn) và Thiền sư Lương Giới (Khai Tổ Tông Tào Động). Mặc dầu Tổ sư thiền có nhiều tông phái, có những lối hành thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn có chung một cứu cánh là “kiến tánh”.

Tuy Thiền tông có tất cả 33 vị Tổ, nhưng người được đề cao nhiều nhất là Tổ Bồ Đề Đạt Ma bởi vì chính ngài đã tạo cho thiền tông một sắc thái đặc biệt. Tuy nhiên Lục Tổ Huệ Năng là người đưa thiền tông đến chỗ hưng thịnh và sau đó hệ thống thiền đốn ngộ được truyền sang các nước lân bang như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam.

Khi thiền bắt đầu hưng thịnh ở Trung Hoa thì thiền tông được gọi là Tổ Sư thiền nghĩa là dòng thiền phát xuất từ các Tổ Sư.

Tiến trình hình thành Phật giáo Đại thừa đã trải qua nhiều giai đoạn và hấp thụ từ nhiều luồng tư tưởng khác nhau của chư Tổ. Thí dụ trong giai đoạn Sơ kỳ Đại thừa thì có tư tưởng “Giai hữu tánh không” rồi đến sự hình thành học phái Trung Quán (Bát Nhã) của Long Thọ và đệ tử là Đề Bà. Đến khi giáo thuyết Trung đạo ra đời, khái niệm về nhị đế đã trở thành tiêu chuẩn của rất nhiều học thuyết Đại thừa khác nhau. Người Trung Hoa trước khi thu nhập hệ tư tưởng Trung Quán của Long Thọ đã không biết nhiều về sự khác biệt giữa hai hệ tư tưởng Nguyên thủy và Đại thừa. Chính Long Thọ đã đưa học thuyết Trung Quán vào Phật giáo Đại thừa và tạo ra một sự khác biệt khá rõ ràng giữa hai giáo thuyết và có lẽ sự phân cách cũng bắt đầu nẫy nở trong cộng đồng Phật giáo Trung Hoa từ đó. Kinh điển Đại thừa không ngần ngại chỉ trích nặng nề giáo lý Nguyên thủy và thậm chí còn dùng những danh từ “tiêu nha bại chũng” tức là hạt giống khô, giống chết để ám chỉ cho những vị A la hán định tánh tức là những vị Thánh tăng không chịu hướng về Đại thừa.Tư tưởng Long Thọ khai triển trí tuệ Bát Nhã để đạt đến được nhận thức về Chân Không mà nơi đó sẽ không còn tùy thuộc vào ngôn ngữ, văn tự mà chỉ trực nhận bằng bản tâm. Long Thọ cho rằng mặc dù chân lý có hai cấp bậc (chân-tục), nhưng chỉ có thực thể mới là chân lý tối thượng. Đó là cảnh giới bất sinh bất diệt, không bao giờ thay đổi, luôn luôn là “cái tự bao giờ đã là” và dĩ nhiên trong đó không còn sự khác biệt giữa sanh tử và Niết bàn, hay phiền não và Bồ-đề. Trong Trung Luận, chúng ta có thể thấy rõ rằng Chân lý Tánh Không của Long Thọ được áp dụng rộng rãi qua biện chứng pháp về “Bát Không”. Đó là “không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không đồng, không dị, không lai, không khứ”. Từ đó người tu theo Đại thừa lầm lẫn cho rằng Chân lý thế tục (Giáo lý Nguyên thủy) mà đức Phật truyền dạy lại cho chúng sinh là giáo lý nữa chừng, không đầy đủ vì người tu theo Nguyên thủy chưa nhận thức được chân lý siêu việt Bát Nhã mặc dù Long Thọ ra đời sau đức Phật gần 800 năm.

Trên căn bản, học thuyết Bát Nhã đặt trong tâm vào hai chân lý tục đế và chân đế. Nhắc lại, vua Lương Võ Đế từng đắp cà sa, tự giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, cất chùa độ tăng và được người đời tôn là vị vua có tâm Phật. Nhà vua cùng với pháp sư Lâu Ước luận bàn về chân đế, tục đế. Tục đế thì biện minh cái “phi vô” tức là cái chẳng phải không, còn chân đế biện minh cái “phi hữu” tức là cái chẳng phải có. Sau cùng chân-tục chẳng phải “Hai” tức là thánh đế đệ nhất nghĩa đế. Theo nhà vua đây chính là chỗ cực diệu cùng huyền của hàng giáo gia. Nhưng do vọng mới có chơn cho nên “chơn, vọng” là hai phạm trù đối đãi vừa đối lập vừa tồn tại bất khả phân ly, nhưng tự tánh thì thường hắng bất biến, biết mà không thể nói được. Vì thế khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào yết kiến, vua Lương Võ Đế bèn tự đắc mà hỏi Tổ rằng:”Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa đế?”. Tổ đáp:”Quách nhiên vô thánh” nghĩa là tuyệt nhiên rỗng rang không thánh. Chân lý thì làm sao trả lời được mà nhà vua lại hỏi? Tổ trả lời nhát gường khiến nhà vua cảm thấy như bị Tổ tạt vào mặt một thau nước lạnh tê tái cả lòng. Sau đó, Tổ lẳng lặng sang sông qua đất Ngụy, đi thẳng lên núi Thiếu Thất không nói một lời.

 

Đến giai đoạn Trung Kỳ, Phật giáo Đại thừa xuất hiện thuyết Như Lai Tạng Duyên Khởi rồi phái Du Già Hành Tông (Duy Thức Luận) của Vô Trước và em là sư Thế Thân bắt đầu hình thành. Trường phái này lấy Duy Tâm chủ nghĩa để luận giải thế giới tâm linh trừu tượng, siêu hình.

 

Nói chung Phật giáo du nhập vào Trung Hoa rồi sau đó được chia thành mười tông phái khác nhau. Trong mười tông phái đó thì Câu xá tông và Thành thật tông thuộc về Nguyên thủy. Luật tông và Thiền tông thì cho cả Nguyên thủy lẫn Đại thừa. Còn lại Hoa Nghiêm tông, Mật tông, Tịnh độ tông, Thiên thai tông, Tam luận tông và Pháp tướng tông thì thuộc hẳn về Đại thừa.

 

1)Luật tông, do ngài Đạo Tuyên (596-667) sáng lập.

Tông phái này không có một giáo lý riêng biệt đáng kể, mục đích chính là thúc đẩy việc tuân thủ giới luật một cách rất nhiêm minh, đặc biệt là việc thọ giới và khất thực. Tông phái này nâng cao đức hạnh của người tu, nhưng chẳng bao lâu trở nên mờ nhạt.

2)Tam luận tông, do ngài Cát Tạng (549-623) sáng lập.

Tông này là sự biến dạng theo kiểu Trung Hoa của trường phái Trung Quán do Long Thọ đề ra của Ấn Độ. Chủ dích của tông này là loại bỏ tất cả mọi quan niệm để tánh không có thể hiển hiện.

3)Pháp tướng tông, do ngài Huyền Trang (596-664) sáng lập.

Khi ngài Huyền Trang đem từ Ấn Độ về Trung Hoa mười cuốn chú giải bộ Duy thức tam thập tụng của Thế Thân và sau đó kết hợp tất cả lại thành một cuốn dựa trên Duy thức tông hay Du già hành tông với căn bản là Thành duy thức luận theo kiểu Trung Hoa.

4)Mật tông, do ngài Bất Không (705-774) sáng lập.

5)Hoa nghiêm tông, do ngài Dỗ Thuận (557-640) sáng lập.

6)Thiên thai tông, do ngài Trí Khải (538-597) sáng lập.

7)Tịnh độ tông, do ngài Thiện Đạo (613-681) sáng lập.

8)Thiền tông, do ngài Bồ-đề Đạt Ma sáng lập vào khoảng năm 520.

 

 

Do đó khi tư tưởng Đại thừa du nhập vào Trung Quốc, người Trung Hoa chấp nhận tất cả những luồng tư tưởng đó như là lời Phật dạy mà không hề tìm hiểu nguồn gốc phát xuất của nó cho nên càng đi sâu vào triết lý, văn tự, kinh điển thì họ càng hoang mang, không biết đâu là đạo, đâu là chân lý, đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh nên phần lớn chấp phương tiện là cứu cánh, ôm chặt lấy kinh điển. Đến lúc cùng đường, bí lối thì Tổ Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện như là vị cứu tinh với bốn câu “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”. Từ đó Thiền tông bắt đầu nổi tiếng với pháp môn đốn ngộ. Có thể nói rằng Phật giáo Trung Hoa chuyển mình từ hệ thống chấp chặt kinh điển cứng ngắc nên tụng niệm rình rang tức là chấp “Có” sang một thái cực không cần kinh điển tức là chấp “Không”. Chấp “Có” cũng sai và chấp “Không” cũng không đúng vì dựa theo trung đạo của Long Thọ thì Có và Không là bất tức bất ly bởi vì vạn pháp tuy Có nhưng không phải là Có thật, còn Không nhưng không phải là không của cái trống không. Trong khi đó, đức Phật đã giải thích con đường Trung đạo như sau:

-Từ bỏ hai cực đoan đó, Như Lai đã chứng ngộ “Trung đạo” (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan (cakkhu), tri kiến (nana) và đưa đến an tịnh (vupasamaya), trí tuệ cao siêu (abhinnaya), giác ngộ (sambhodhaya) và Niết bàn.

Hai cựa đoan mà đức Phật nói ở đây không phải là Có hay Không mà một bên là ép xác khổ hạnh và bên kia sống theo dục lạc.

Trong kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật xác định rằng con đường Trung đạo chính là Bát Chánh đạo. Đức Phật lại dạy rằng:

-Hỡi này các Tỳ kheo! Con đường Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến, trí tuệ cao siêu, giác ngộ, Niết bàn là gì?

-Đó chính là Bát Chánh đạo: Hỡi này các Tỳ kheo! Đó là “trung đạo” mà Như Lai đã chứng ngộ.

Tám trăm năm sau ngày đức Phật nhập diệt, tuy Long Thọ phát triển nền triết học khác dựa vào tư tưởng “tánh không” và “Bát Nhã”, nhưng ngài vẫn dùng danh từ trung đạo mà đức Phật đã xiễn dương và triết học của ngài là Trung Quán Luận (Madhyamaka Sàstra) và Tứ Bách Luận (Catuh-Sataka) của Đề Bà, đệ tử của Long Thọ.

Long Thọ là vị Tổ đã khai triển và hoàn thành học phái Trung Quán. Ngài ra đời vào thế kỷ thứ hai sau công nguyên trong gia đình Bà là môn thuộc nước Andhradesa tức là Vidarbha. Ngài đặc biệt nghiên cứu về giáo điển Vedas (Vệ Đà) và học hỏi rất nhiều điều trọng yếu của Bà la môn trước khi ngài xuất gia đầu Phật. Ngài là tác giả của trên 122 bộ sách, nhưng hiện nay chỉ còn có trên 15 bộ nguyên bản đã được dịch sang tiếng Tây Tạng và tiếng Hán. Vì sự tiêu hoại những tu viện lớn ở Ấn Độ bởi người Hồi giáo nên kinh điển Đại thừa bản gốc không còn dấu tích ở Ấn Độ mà chỉ có các bản dịch ở Tây Tạng hay ở Trung Hoa.

 

Đó là:

1. Trung Luận (Madhyamaka-Sàtra) tức là Bát Nhã.

2. Hồi Chánh Luận (Vigrahavyvartanì).

3. Lục Thập Chánh Lý Luận (Yuktisastikà)

4. Thập Thất Tụng Không Tánh Luận (sunyatà-Sapsati) và chú giải.

5. Duyên Khởi Tâm (Pratìyasamut-pàdahrdaya) và chú giải.

6. Tứ Tụng (Catuhstava).

7. Tu Tập Thứ Đệ (Bhàvanàkrama).

8. Bằng Hữu Thư (Suhrllekha).

9. Lưu Chuyển Chư Hữu (Bhàvasamkrànti).

10. Bảo Hành Vương Chánh Luận (Ratnàvalì.)

11. Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận (Pràjnàpàramita-Sutra Sàstra).

12. Thập Địa Giải Thuyết Luận (Dasabhaùmivibhàsà Sàstra).

13. Nhất Kệ Luận (Eka – Sloka - Sàstra).

14. Năng Đoạt Kinh (Vaidalya Sutra) và chú giải (Prakarana).

15. Ngôn Ngữ Cứu Cánh (Vyavahara - Siddhi).

 

Trong 15 bộ luận đó thì bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận (Pràjnàpàramita Sutra Sàstra) và bộ Trung Luận (Madhyamaka Sàtra) nói về trí tuệ Bát Nhã và Thập Địa Giải Thuyết Luận (Dasabhaùmivibhàsà Sàstra) nói về tiến trình mười địa tức là mười giai đoạn của Bồ Tát phải thực hành trước khi thành Phật. Vì thế tư tưởng Bát Nhã và Không tánh là do Long Thọ viết ra chớ không phải do đức Phật thuyết.

Long Thọ của thế kỷ thứ hai là vị Tổ đời thứ 14 trong số 33 vị Tổ của Phật giáo Thiền tông. Vị Tổ thứ 33 cũng là vị Tổ sau cùng là Lục Tổ Huệ Năng. Đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên ở Ấn Độ xuất hiện một vị Tổ của Mật tông là Dược sư Long Thọ .

 

 

From : Lê Sỹ Minh Tùng ,....

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tag(s) : #Tâm linh - Tôn giáo
Partager cet article
Repost0
Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :